Ngân hàng thương mại là gì? Cách phân loại ngân hàng thương mại

4.5/5 - (8 bình chọn)

Ngân hàng thương mại chắc hẳn là một khái niệm không còn xa lạ với mọi người, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên vẫn không ít người nhầm lẫn và không phân biệt được đâu là NHTM. Vậy ngân hàng thương mại là gì? Đặc điểm và cách phân loại ngân hàng thương mại như thế nào? Hãy cùng Luận Văn 24 đi cùng câu trả lời giải đáp thắc mắc nhưng vấn đề trên thông qua bài viết dưới đây nhé.

hinh-anh-ngan-hang-thuong-mai-la-gi-1
Ngân hàng thương mai là gì?

1. Khái niệm ngân hàng thương mại là gì?

Ngân hàng thương mại là tổ chức kinh doanh tiền tệ mà hoạt động chủ yếu và thường xuyên là nhận tiền kí gửi từ khách hàng với trách nhiệm hoàn trả và sử dụng số tiền đó để cho vay, thực hiện nghiệp vụ chiết khấu và làm phương tiện thanh toán. (Theo Pháp lệnh Ngân hàng ngày 23-5-1990 của hội đồng Nhà nước Việt Nam)

Từ sự chuyển hướng phân biệt vào tài sản có, Ngân hàng thương mại được hiểu là một ngân hàng có những đặc trưng sau:

Ngân hàng thương mại là một trung gian tài chính, một doanh nghiệp hoạt động bằng các nguồn vốn sau:

  • Tiền gửi của công chúng (có kỳ hạn, không có kỳ hạn và tiết kiệm);
  • Vốn tự có của các ngân hàng do các cổ đông đóng góp;
  • Vốn vay của các tổ chức kinh doanh, NHTG khác, NHTW, Kho bạc hoặc nước ngoài;
  • Vốn vay của công chúng bằng cách phát hành phiếu nợ (cổ phiếu, trái phiều);
  • Vốn hoặc tài sản do các đơn vị đem lại cầm cố…

Đối tượng cho vay của Ngân hàng thương mại chủ yếu là: Thương mại, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp… đầu tư hoặc hùn hạp xây dựng xí nghiệp, khu công nghiệp rồi bán lại cổ phần.

2. Đặc điểm của ngân hàng thương mại là gì?

2.1. Là doanh nghiệp có quy mô lớn, hệ số nợ rất cao và cấu trúc tài sản đặc biệt

Ngân hàng thương mại là doanh nghiệp có quy mô lớn trên cả giác độ vốn chủ sở hữu và tổng tài sản. Ở Việt Nam, vốn chủ sở hữu của các Ngân hàng thương mại là hàng nghìn tỷ đồng. đối với các Ngân hàng thương mại trên thế giới, vốn chủ sở hữu lên tới nhiều tỷ đô la Mỹ.

Mạng lưới các chi nhánh Ngân hàng thường rất lớn và phân tán rộng về địa lý. Trong khi quy mô về vốn chủ sở hữu đã rất lớn, nguồn vốn của Ngân hàng thương mại lại chủ yếu là nợ được huy động từ bên ngoài Ngân hàng. Cấu trúc tài sản của Ngân hàng thương mại đặc biệt hơn so với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác là ở tỷ trọng tài sản tài chính.

Phần lớn tài sản của Ngân hàng thương mại là tài sản tài chính, mang đặc trưng trừu tượng, hình thái vật chất giản đơn chỉ là giấy tờ hoặc thậm chí chỉ là dữ liệu điện tử được lưu giữ trong một thiết bị nhất định. Bên cạnh đó, Ngân hàng thương mại thường có xu hướng liên tục phát triển các sản phẩm, công cụ tài chính mới.

hinh-anh-ngan-hang-thuong-mai-la-gi-2

 

2.2. Luôn chứa đựng nhiều rủi ro và chịu sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ của hệ thống luật pháp

Trên giác độ tài chính doanh nghiệp, doanh nghiệp có hệ số nợ cao sẽ dẫn đến rủi ro trong hoạt động cũng cao. Bên cạnh đó, nguồn vốn nợ chủ yếu của Ngân hàng thương mại lại là tiền gửi với đặc trưng có thể bị rút ra trước hạn với khối lượng khó xác định. Sản phẩm, dịch vụ Ngân hàng không được hưởng quy chế bảo hộ độc quyền và mang tính phức tạp, trực tiếp.

Hơn nữa, Ngân hàng thương mại tham gia vào nhiều cam kết trong khi chưa chuyển giao vốn thực sự, tức là hoạt động ngoại bảng phong phú và đa dạng. điểm này là một đặc trưng khác biệt với các loại hình doanh nghiệp khác.

Vì những lý do này, hoạt động của Ngân hàng thương mại chứa đựng nhiều rủi ro hơn các ngành kinh doanh khác. Rủi ro trong hoạt động của Ngân hàng thương mại đa dạng, ở mức độ cao, tích luỹ nhanh và dễ lây lan. Rủi ro trong hoạt động của Ngân hàng thương mại bao gồm các loại rủi ro đặc thù như rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, rủi ro ngoại hối, rủi ro vốn khả dụng, rủi ro đạo đức,…

Là doanh nghiệp có quy mô lớn, mạng lưới rộng khắp, hoạt động chịu nhiều rủi ro, ảnh hưởng đáng kể đến nhiều hoạt động kinh tế xã hội, Ngân hàng thương mại chịu sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ của hệ thống phát luật.

Các quy định pháp lý đối với Ngân hàng thương mại được phổ rộng trên nhiều mặt của hoạt động kinh doanh như: điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn của người lãnh đạo NH, dự trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền gửi, an toàn trong hoạt động, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng vốn tự có đầu tư cho tài sản cố định,…

2.3. Tính liên kết và ổn định của hệ thống Ngân hàng

Hệ thống Ngân hàng có tính phụ thuộc lẫn nhau rất lớn. Hơn bất cứ ngành kinh doanh nào trong nền kinh tế, rủi ro trong hoạt động Ngân hàng có tính lan toả rất nhanh. Hoạt động như một hệ thống các mắt xích liên kết chặt chẽ, chỉ cần một ngân hàng thương mại, dù yếu và nhỏ nhất, gặp khó khăn trong hoạt động, đặc biệt là khó khăn về thanh khoản, là có thể dẫn đến nguy cơ phá sập hệ thống.

Thực tiễn đã cho thấy, thanh khoản được ví như hơi thở của sự sống của hoạt động ngân hàng thương mại. Mọi rủi ro, tổn thất trong hoạt động của ngân hàng thương mại đều có thể dẫn đến hậu quả cuối cùng là Ngân hàng mất khả năng thanh toán rồi phá sản.

hinh-anh-ngan-hang-thuong-mai-la-gi-3

Hệ thống Ngân hàng – tài chính trong nền kinh tế rất nhạy cảm với mọi biến động về kinh tế, kỹ thuật, chính trị và xã hội. Những biến động này thường có tác động gần như tức thời đến hoạt động của thị trường tài chính, điển hình là thị trường chứng khoán, theo đó, nó gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thống Ngân hàng.

Đối với công tác quản lý vĩ mô nền kinh tế, việc nắm bắt được cơ chế hoạt động, ảnh hưởng lẫn nhau của các phần tử trong hệ thống tài chính là một trong những vấn đề cốt yếu, quyết định thành bại.

3. Phân loại ngân hàng thương mại

3.1. Phân loại ngân hàng thương mại dựa vào hình thức sở hữu

Dựa vào hình thức sở hữu, các Ngân hàng thương mại được chia ra thành các loại gồm: ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng tư nhân.

  • Ngân hàng thương mại quốc doanh: là ngân hàng được thành lập từ vốn thuộc Ngân sách Nhà nước, là trụ cột của nền kinh tế. Ở Việt Nam, ban đầu những ngân hàng này là những ngân hàng chuyên doanh, đến năm 1992 thì đổi tên và trở thành ngân hàng kinh doanh đa năng. Ví dụ: Ngân hàng TMCP VietinBank.
  • Ngân hàng thương mại cổ phẩn (TMCP): là ngân hàng được thành lập từ vốn góp của các cổ đông, kinh doanh đa năng. Hệ thống ngân hàng TMCP bao gồm hai loại: ngân hàng TMCP đô thị và ngân hàng TMCP nông thôn. Hiện nay, tất cả các Ngân hàng thương mại tại Việt Nam đều là ngân hàng TMCP và được thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh của ngân hàng. Ví dụ: ngân hàng TMCP SeaBank, Ngân hàng TMCP ACB,  ngân hàng TMCP SacomBank, ngân hàng TMCP Techcombank
hinh-anh-ngan-hang-thuong-mai-la-gi-4
  • Ngân hàng liên doanh: là ngân hàng do các bên liên doanh góp vốn, tỷ lệ đóng góp của các đối tác nước ngoài không quá 50% vốn điều lệ. Ví dụ: Ngân hàng liên doanh ShinhanVina, Ngân hàng liên doanh Indovina, Ngân hàng liên doanh Viet Lao, Ngân hàng liên doanh Viet Nga
  • Ngân hàng 100% vốn nước ngoài:  là ngân hàng được thành lập theo pháp luật Việt Nam do chủ sở hữu nước ngoài cấp 100% vốn; được quyền cung cấp đầy đủ các dịch vụ ngân hàng cho thị trường Việt Nam; thời gian hoạt động không vượt quá 99 năm. Ví dụ: ngân hàng ANZ Việt Nam, Ngân hàng HSBC Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam…
  • Ngân hàng tư nhân: Do cá nhân thành lập bằng vốn của cá nhân đó. Loại hình ngân hàng này thường nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp; thường có mối quan hệ tốt với khách hàng. Tuy nhiên, loại hình ngân hàng tư nhân theo cách tiếp cận này chưa xuất hiện tại Việt Nam

3.2. Phân loại ngân hàng thương mại dựa vào chiến lược kinh doanh

Dựa vào chiến lược kinh doanh các Ngân hàng thương mại được chia ra thành: ngân hàng thương mại bán buôn, ngân hàng thương mại bán lẻ, ngân hàng thương mại vừa bán buôn vừa bán lẻ.

  • Ngân hàng thương mại bán buôn: là Ngân hàng thương mại tập trung nhắm đến đối tượng khách hàng là các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các xí nghiệp lớn. Danh mục sản phẩm ngân hàng loại này cung cấp cho khách hàng thường không đa dạng tuy  nhiên giá trị của từng giao dịch thường là rất lớn.
  • Ngân hàng thương mại bán lẻ: là ngân hàng tập trung khai thác nhóm đối tượng khách hàng là cá nhân hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng loại này thường chú trọng đến việc đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng được các nhu cầu của nhiều khách hàng. Tuy giá trị của từng sản phẩm không lớn nhưng bù lại là một lực lượng khách hàng rất lớn. Hoạt động của ngân hàng này chủ yếu là huy động vốn từ mọi thành phần kinh tế, và cho vay để giải quyết vấn đề tiêu dùng hoặc các dự án sản xuất với quy mô nhỏ và vừa.
hinh-anh-ngan-hang-thuong-mai-la-gi-5

 

  • Ngân hàng thương mại vừa bán buôn, vừa bán lẻ: Là ngân hàng thực hiện song song cả hai hoạt động bán buôn và bán lẻ. Ngân hàng này nhắm vào tất cả các dạng khách hàng từ cá nhân, các hộ gia đình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các tổng công ty, các tập đoàn lớn. Ví dụ: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank).

Thông qua bài viết, chắc hẳn bạn đọc đã nắm được thông tin xung quanh khái niệm Ngân hàng thương mại là gì? Đặc điểm cũng như có những loại ngân hàng thương mại nào. Hy vọng rằng thông tin mà chúng tôi cung cấp bên trên có thể giúp ích cho bạn trong quá trình học tập. Nếu có bất cứ thắc mắc gì thì hãy liên hệ ngay với dịch vụ viết tiểu luận thuê của chúng tôi để được hỗ trợ cụ thể nhé.

Nguồn: Luanvan24.com

5/5 (1 Review)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan