Vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại là một khái niệm không còn gì xa lạ đối với những người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế hay ngân hàng. Tuy nhiên nhiều người vẫn cong mơ hồ về khái niệm cũng như vai trò thực sự của nó. Cùng Luận Văn 24 tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây.
- 1. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng là gì?
-
2. Vai trò vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại
- 2.1. Tấm đệm chống đỡ rủi ro, bảo vệ người gửi tiền/ký thác và các quỹ bảo hiểm tiền gửi
- 2.2. Tạo điều kiện cho sự thành lập và hoạt động ban đầu của ngân hàng thương mại
- 2.3. Tạo niềm tin cho người gửi tiền và thu hút tiền gửi
- 2.4. Cung cấp nguồn lực tài chính cho sự tăng trưởng và phát triển
- 2.5. Phương tiện điều chỉnh hoạt động và điều tiết sự tăng trưởng
1. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng là gì?
Vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại là nguồn tiền thuộc sở hữu hợp pháp của chủ ngân hàng trong một thời gian dài, chủ yếu bao gồm các khoản vốn ngân hàng được cấp, hoặc được đóng góp bởi những người chủ ngân hàng khi mới thành lập, cộng với những khoản được trích lập, giữ lại từ lợi nhuận hoạt động.
Về cơ bản, cũng như các loại hình doanh nghiệp khác, vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại không phải hoàn trả, chủ ngân hàng có thể tăng, giảm (với sự đồng ý của cơ quan chức năng), thay đổi cơ cấu của vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại, hoặc quyết định các chính sách phân phối lợi nhuận vốn dĩ có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn này.
Song, là một định chế tài chính đặc biệt, vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại mang một số điểm riêng có như về thành phần của vốn, vai trò của vốn, v.v… Với chức năng là trung gian tín dụng, ngân hàng thương mại chỉ lấy vốn chủ sở hữu làm bàn đạp ban đầu; Còn lại, họ không ngừng huy động tiền của các chủ thể khác trong xã hội và nền kinh tế để tài trợ cho các hoạt động của mình.
Vốn chủ sở hữu (hay còn gọi là tài sản ròng) là giá trị của một tài sản trừ đi tất cả các khoản nợ trên tài sản đó. Đối với tài chính cá nhân, tài sản ròng được gọi chính xác là giá trị tài sản ròng.
Vốn chủ sở hữu = Tài sản – Nợ phải trả
2. Vai trò vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại
2.1. Tấm đệm chống đỡ rủi ro, bảo vệ người gửi tiền/ký thác và các quỹ bảo hiểm tiền gửi
Đây là chức năng quan trọng hàng đầu của vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại. Do kinh doanh ngân hàng thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều rủi ro khiến các ngân hàng đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Thực tế, ngân hàng có nhiều biện pháp để phòng chống rủi ro, bảo vệ tình trạng tài chính của mình như: nâng cao chất lượng quản lý, đa dạng hóa danh mục đầu tư và địa bàn hoạt động, bảo hiểm tiền gửi,v.v…
Song, khi tất cả những phương pháp ngăn chặn này đều không còn hiệu quả, thì vốn chủ sở hữu sẽ là cứu cánh cuối cùng. Trước tiên là quỹ dự phòng rủi ro, kế đến là lợi nhuận tích lũy, và cuối cùng là vốn cổ phần_ các khoản tổn thất của ngân hàng sẽ được bù đắp, cho phép ngân hàng tiếp tục tồn tại. Chỉ khi các khoản thua lỗ của ngân hàng lớn tới mức tất cả các biện pháp nói trên, kể cả vốn chủ sở hữu, đều không thể khắc phục nổi thì nó sẽ buộc phải đóng cửa.
Trường hợp ngân hàng phá sản hoặc ngừng hoạt động, các khoản tiền gửi đã huy động sẽ được ưu tiên hoàn trả trước, sau đó đến nghĩa vụ với chính phủ và người lao động, các khoản vay, cuối cùng mới đến chủ giấy nợ có khả năng chuyển đổi, cổ phần ưu đãi, cổ phần thường.
Vì vậy, trong môi trường kinh tế tài chính nói chung vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay, các NH càng phải nắm giữ nhiều vốn chủ sở hữu hơn, đặc biệt là những ngân hàng chọn kinh doanh trên một số mảng có mức độ rủi ro cao nhằm tăng sức cạnh tranh so với đối thủ.
2.2. Tạo điều kiện cho sự thành lập và hoạt động ban đầu của ngân hàng thương mại
Điều kiện bắt buộc để ngân hàng có giấy phép tổ chức và hoạt động trước khi tính đến việc huy động những khoản tiền gửi đầu tiên là phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định. Mỗi ngân hàng mới đều cần vốn ban đầu để xây dựng, mua sắm hoặc thuê mướn cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thuê nhân viên…,phần còn lại tham gia vào quá trình kinh doanh của ngân hàng như cho vay hoặc mua chứng khoán.
2.3. Tạo niềm tin cho người gửi tiền và thu hút tiền gửi
Bên cạnh nguồn vốn điều lệ ban đầu, các ngân hàng thương mại đều phải dựa chủ yếu vào các khoản tiền huy động được từ các chủ thể khác trong xã hội để tiến hành các hoạt động. Những người ký thác tài sản của mình vào các ngân hàng thương mại hoặc do ít có điều kiện và thời gian, hoặc cảm thấy không cần thiết phải phân tích chi tiết thêm các yếu tố khác có xu hướng đánh giá độ đảm bảo và năng lực của ngân hàng thông qua quy mô vốn của các tổ chức này.
Trong trường hợp những điều kiện khác tương tự nhau, những ngân hàng có vốn lớn thường hấp dẫn người gửi tiền hơn ngân hàng có vốn nhỏ hơn. Tiềm lực tài chính của ngân hàng mạnh sẽ tạo được sự tin tưởng ở công chúng, và quy mô vốn chính là một yếu tố thiết thực nói lên điều đó.
Trong điều kiện thông tin mở và các phương tiện thông tin phát triển như hiện nay, khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận các Bảng cân đối kế toán, các thông số tài chính để so sánh các ngân hàng trước khi đưa ra quyết định ký thác vốn của mình cho họ; vì thế, quy mô vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại càng cần được chú ý hơn.
2.4. Cung cấp nguồn lực tài chính cho sự tăng trưởng và phát triển
Để cạnh tranh tốt, các ngân hàng thương mại luôn phải không ngừng đưa ra những dịch vụ mới, những chương trình mới, đổi mới công nghệ ngân hàng, nâng cao năng suất lao động; và khi phát triển, ngân hàng cũng cần bổ sung vốn để thúc đẩy tăng trưởng, mở thêm chi nhánh hoặc quầy giao dịch, văn phòng đại diện,v.v…vốn chủ sở hữu được bổ sung và tăng về quy mô sẽ tài trợ cho các hoạt động này để theo kịp với sự phát triển của thị trường và tăng khả năng phục vụ khách hàng.
2.5. Phương tiện điều chỉnh hoạt động và điều tiết sự tăng trưởng
Vốn cho vay của ngân hàng sẽ tham gia vào quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh của các chủ thể kinh tế, và khi doanh nghiệp gặp rủi ro thì ngân hàng khó thu hồi vốn. Nhằm đảm bảo ngân hàng thương mại kinh doanh an toàn, có rất nhiều quy định cho hoạt động của các trung gian tài chính này liên quan chặt chẽ và trực tiếp đến vốn chủ sở hữu.
Đó là những giới hạn về: quy mô nguồn tiền gửi được phép huy động (vì nếu vay nhiều sẽ có nguy cơ mất khả năng thanh toán), quy mô cho vay tối đa đối với một hoặc một nhóm khách hàng, nắm giữ cổ phiếu của công ty khác, thành lập công ty con, hay mở chi nhánh, v.v…(để hạn chế việc dồn vốn vào một số ít khách hàng và lĩnh vực kinh doanh, giúp ngân hàng đa dạng hóa các đối tượng này).
Trong đó, nếu quy mô vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại quá nhỏ, ngân hàng sẽ thực sự rơi vào trạng thái ngột ngạt và khó có khả năng xoay sở khi bị trói buộc trong những định mức, giới hạn ấy.
Đồng thời, để sự tăng trưởng của một ngân hàng có thể được duy trì ổn định và lâu dài, các cơ quan quản lý ngân hàng và thị trường tài chính thường yêu cầu vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại cần phải được phát triển tương ứng với sự tăng trưởng của danh mục cho vay và các tài sản rủi ro khác, sao cho tương xứng với quy mô rủi ro của ngân hàng.
Trên đây là bài viết tham khảo giúp bạn hiểu thêm về khái niệm vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại cũng như đặc điểm và vai trò của nó. Trong quá trình tìm hiểu, nếu có bất kì ý kiến thắc mắc xin liên hệ qua hotline 0988 55 2424 của Luận Văn 24 để được đội ngũ chuyên gia tư vấn giúp đỡ.
Nguồn: Luanvan24.com
Tôi là Thu Trà, hiện tại tôi là Quản lý nội dung của Luận Văn 24 – Chuyên cung cấp dịch vụ làm luận văn uy tín. Chúng tôi đặt lợi ích của khách hàng là ưu tiên hàng đầu. Website: https://luanvan24.com/ – Hotline: 0988552424.